Biến đổi khí hậu có làm sốt xuất huyết mở rộng phạm vi lây lan không?
Tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi…
Biến đổi khí hậu có thể tạo điều kiện cho bệnh sốt xuất huyết lây lan theo nhiều cách.1-4 Sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng khi khí hậu ấm hơn và ẩm hơn trước đây thúc đẩy sự sinh sôi và phát triển của muỗi mang mầm bệnh.1-4 Ngoài ra, lượng mưa tăng lên cũng tạo ra nhiều vũng nước tù đọng hơn phù hợp cho môi trường sinh sản của muỗi.2
Nhiệt độ tăng lên tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sống sót và sinh sôi
Nhiệt độ ấm hơn làm gia tăng số lượng muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết (được gọi là muỗi Aedes - muỗi vằn) do làm tăng tỷ lệ sống sót và sinh sôi của chúng. Hơn nữa, nhiệt độ ấm hơn có thể rút ngắn thời gian để vi-rút sốt xuất huyết phát triển và nhân lên khi ở trong muỗi.3–5
Những yếu tố này có thể góp phần làm tăng mạnh số ca sốt xuất huyết và khi khí hậu toàn cầu ấm hơn nữa, khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch sốt xuất huyết được dự báo sẽ tăng lên.6
Lượng mưa tăng lên làm tăng tỷ lệ sinh sản của muỗi
Biến đổi khí hậu có thể làm tăng lượng mưa vì không khí ấm hơn có thể chứa nhiều nước hơn.7 Lượng mưa tăng cũng làm tăng nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết vì các vũng nước, ao hồ hoặc các vùng nước khác là môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi. Số ca sốt xuất huyết tăng cao nhất đã được ghi nhận 2 tháng sau lượng mưa đạt đỉnh điểm.4,8
Độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sống
Độ ẩm làm tăng hoạt động và tỷ lệ sống sót của muỗi. Điều này làm tăng tỷ lệ muỗi đốt hàng ngày, muỗi phát tán và đẻ trứng.9,10
Biến đổi khí hậu khiến bệnh sốt xuất huyết trở thành mối đe dọa ở những khu vực mà trước đây không phải là khu vực nguy cơ.3,9 Điều này đòi hỏi phải cập nhật tình hình sốt xuất huyết tại các khu vực mới mà hiện nay có thể là khu vực có nguy cơ và các biện pháp cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa này.
*Tài liệu này được cung cấp bởi Công ty Takeda Việt Nam và Tổng Hội Y học Việt Nam với mục đích giáo dục cộng đồng. Tài liệu này không nên được sử dụng cho mục đích chẩn đoán, điều trị bệnh, hoặc tư vấn khám chữa bệnh từ nhân viên y tế. Vui lòng tham vấn Bác sĩ để được biết thêm thông tin chi tiết. Tài liệu này được sử dụng cho công chúng, phạm vi sử dụng bên ngoài Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Tài liệu tham khảo
Tran BL, et al. Int J Environ Res Public Health. 2020;17(4):1392.
Choi Y, et al. BMC Public Health. 2016;16:241.
Yuan HY, et al. Sci Rep. 2020;10(1):4297.
Do TT, et al. BMC Public Health. 2014;14:1078.
Rodrigues H, et al. Seasonality effects on Dengue. In: Proceedings of the 14th International Conference on Computational and Mathematical Methods in Science and Engineering, CMMSE 2014 3–7July, 2014. Available at https://repositorium.sdum.uminho.pt/bitstream/1822/37059/1/seasonality_effects _dengue.pdf [Accessed November 2023].
Morin C, et al. Environ. Res. Lett. 2022; 17:064042.
European Commission. How climate change is disrupting rainfall patterns and putting our health at risk. Available at https://climate.ec.europa.eu/news-your-voice/news/how-climate-change-disrupting-rainfall-patterns-and-putting-our-health-risk-2023-08-03_en [Accessed November 2023].
Morales I, et al. Am J Trop Med Hyg. 2016;94(6):1359-61.
Polwiang S. BMC Infect Dis. 2020;20(1):208.
Azil AH, et al. Trop Med Int Health. 2010;15(10):1190-7.