Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng do vi-rút sốt xuất huyết (DENV) gây ra, được truyền sang người lành qua vết đốt của muỗi bị nhiễm vi-rút.1 Những con muỗi này (chủ yếu là loài Aedes aegypti và Aedes albopictus thường được biết đến là muỗi vằn) có thể lây truyền bất kì tuýp nào trong số 4 tuýp vi-rút sốt xuất huyết khác nhau.2,3 Điều này có nghĩa là bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần.4 Những người bị nhiễm lần thứ hai (với tuýp vi-rút khác với tuýp vi-rút mắc lần đầu) có nhiều khả năng gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với lần nhiễm đầu tiên.4
Mặc dù thường biểu hiện nhẹ nhưng sốt xuất huyết cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng
Một số triệu chứng sốt xuất huyết có thể giống cúm như đau đầu dữ dội, đau hốc mắt và sốt.1,5 Cơn đau khớp nghiêm trọng mà bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra là lý do tại sao bệnh còn được gọi là "sốt gãy xương”.6,7 Hầu hết các ca mắc (khoảng 3 trong số 4 người) không xuất hiện triệu chứng sau khi nhiễm vi rút.2,8 Tuy nhiên, cứ 20 người thì có 1 người xuất hiện triệu chứng rõ rệt có thể chuyển biến thành sốt xuất huyết nặng, một tình trạng nguy hiểm bao gồm chảy máu nhiều và tổn thương nội tạng.2 Đôi khi cũng có thể gây tử vong.1 Tìm hiểu thêm về sốt xuất huyết nặng tại đây.
Sự quan tâm ngày càng cao...
Sốt xuất huyết là nỗi bất an ngày càng lớn đối với cá nhân và cộng đồng; số ca mắc được báo cáo đang gia tăng ở mức đáng báo động và căn bệnh này tiếp tục lây lan sang các khu vực mới, bao gồm cả ở châu Âu, nơi đang diễn ra các đợt bùng phát.1,9,10 Sốt xuất huyết cũng đang phá kỷ lục ở nhiều nơi tại châu Mỹ và đang xuất hiện tại các nước châu Phi mới.10-12 Dịch bệnh bùng phát có thể làm các hệ thống y tế quá tải, dẫn đến tình trạng bệnh và tử vong tăng đáng kể.13
Thật không may, sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết không có dấu hiệu chậm lại. Các yếu tố như biến đổi khí hậu và gia tăng đô thị hóa dường như sẽ thúc đẩy thêm việc lây lan của sốt xuất huyết sang các khu vực mới.14 Ngoài ra, du lịch quốc tế dần trở thành yếu tố quan trọng; khi ngày càng có nhiều người đi du lịch nước ngoài, họ không chỉ có thể mắc bệnh sốt xuất huyết tại điểm đến của chuyến du lịch (nếu nơi đó có sốt xuất huyết) mà còn có thể làm lây lan bệnh khi họ trở về.15
Sốt xuất huyết có thể gây gánh nặng tài chính lớn cho những nơi có dịch bệnh.16 Những người có triệu chứng có thể cần thời gian nghỉ làm và đối mặt với chi phí điều trị đáng kể (tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng).16 Ngoài các triệu chứng về thể chất, trong một số trường hợp, sốt xuất huyết còn có liên quan đến các triệu chứng về tâm lý như trầm cảm, lo lắng và căng thẳng.17
Đẩy lùi sốt xuất huyết
Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết và trừ khi bệnh trở nên nghiêm trọng thì bệnh nhân sẽ thường được điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước và giảm đau (tuy nhiên, nếu cần điều trị, bạn phải luôn đến gặp bác sĩ để được chăm sóc y tế kịp thời hoặc tư vấn cụ thể).1,5 Vì không có thuốc chữa đặc hiệu, phòng chống sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng; các biện pháp tránh muỗi đốt như sử dụng thuốc chống côn trùng và màn chống muỗi giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh.1
Cộng đồng ở các vùng có dịch bệnh đóng vai trò quan trọng trong việc giúp kiểm soát muỗi và sự lây lan của sốt xuất huyết.18 Ví dụ: trước đây, các chiến dịch khuyến khích cộng đồng tìm kiếm và dọn dẹp các địa điểm sinh sản của muỗi đã tỏ ra có hiệu quả.19 Có những ví dụ về việc các tổ chức và chính phủ cùng hợp tác thành công trong việc giáo dục cộng đồng để giảm thiểu tác động của bệnh sốt xuất huyết (ví dụ, thông qua việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi).20 Đồng thời, tiêm chủng bằng vắc-xin có thể góp phần vào cách tiếp cận đa phương nhằm giảm gánh nặng toàn cầu về bệnh sốt xuất huyết, cho cả những người đang sống và đi du lịch đến các vùng có bệnh.10,21
Ngày 15/05/2024 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam đã cấp giấy phép lưu hành cho một loại vắc xin phòng chống sốt xuất huyết. Đây là vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên đầu tiên được phê duyệt từ trước tới nay, với chỉ định cho người từ 4 tuổi trở lên, không phân biệt người đã từng hoặc chưa mắc bệnh bao giờ, tức là không cần phải xét nghiệm trước khi tiêm.22
Khu vực của bạn có sốt xuất huyết không? Hoặc nơi bạn đang đi du lịch có sốt xuất huyết không? Để biết thêm chi tiết, hãy truy cập Bệnh sốt xuất huyết ở đâu.
Bạn có muốn biết nguy cơ mắc sốt xuất huyết của mình không? Hãy truy cập Xem xét nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết.
Trao đổi với bác sĩ của bạn để tìm hiểu thêm về bệnh sốt xuất huyết.
Cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn nghĩ mình có thể bị sốt xuất huyết.
*Tài liệu này được cung cấp bởi Công ty Takeda Việt Nam và Tổng Hội Y học Việt Nam với mục đích giáo dục cộng đồng. Tài liệu này không nên được sử dụng cho mục đích chẩn đoán, điều trị bệnh, hoặc tư vấn khám chữa bệnh từ nhân viên y tế. Vui lòng tham vấn Bác sĩ để được biết thêm thông tin chi tiết. Tài liệu này được sử dụng cho công chúng, phạm vi sử dụng bên ngoài Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Tài liệu tham khảo
WHO. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue Accessed November 2023.
Centers for Disease Control and Prevention. Available at: https://www.cdc.gov/dengue/healthcare-providers/clinical-presentation.html Accessed December 2023.
Centers for Disease Control and Prevention. Available at: https://www.cdc.gov/dengue/transmission/index.html. Accessed December 2023
WHO. Available at: https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2023-DON481. Accessed November 2023.
NHS. Available at: https://www.nhs.uk/conditions/dengue/. Accessed November 2023.
Mitraka E, et al. PLoS Negl Trop Dis. 2015;9(2):e0003479.
The Daily Telegraph. Available at: https://www.telegraph.co.uk/global-health/science-and-disease/bangladesh-hospitals-at-breaking-point-in-dengue-crisis/ Accessed December 2023.
Schaefer TJ, et al. In: StatPearls [Internet]. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430732/. Accessed December 2023.
Wang X, et al. Can J Infect Dis Med Microbiol. 2021;2021:6699788.
Lancet Reg Health Am. 2023;22:100539.
WHO. Available at: https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2023-DON491. Accessed December 2023.
WHO. Available at: https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2022-DON387. Accessed December 2023.
Leung XY, et al. PLoS Negl Trop Dis. 2023;17(2):e0010631
Messina JP, et al. Nat Microbiol. 2019;4(9):1508-1515
Wilder-Smith A. Dengue infections in travellers. Paediatr Int Child Health. 2012;32 Suppl 1(s1):28-32.
Weerasinghe NP, et al. BMC Health Serv Res. 2022;22(1):657.
Gunathilaka N, Int J Ment Health Syst. 2018;12:20.
World Health Organization. Available at: https://www.who.int/activities/engaging-communities-to-sustain-dengue-vector-control# Accessed December 2023.
Tapia-Conyer R, et al. Paediatr Int Child Health. 2012;32 Suppl 1(s1):10-3.
World Health Organization. Available at: https://www.who.int/about/accountability/results/who-results-report-2020-mtr/country-story/2022/community-engagement-for-sustainable-dengue-outbreak-prevention-and-control Accessed December 2023.
Thomas SJ NPJ Vaccines. 2023;8(1):55.
https://suckhoedoisong.vn/vaccine-phong-sot-xuat-huyet-chinh-thuc-duoc-bo-y-te-cap-phep-luu-hanh-tai-viet-nam-16924051612143966.htm Accessed July 2024.