8 lầm tưởng về bệnh sốt xuất huyết Dengue: Làm sáng tỏ nhầm lẫn

7 phút
Ảnh
Little girl looking through a magnifying glass

 

8 lầm tưởng về bệnh sốt xuất huyết Dengue: Làm sáng tỏ nhầm lẫn

Sốt xuất huyết là mối đe dọa ngày càng tăng và được xác định là một trong những mối lo ngại sức khỏe chung trên toàn cầu theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019.1 Mặc dù nhiều ca nhiễm sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ (cứ 4 người thì 1 người có triệu chứng), nhưng có hai lý do chính khiến sốt xuất huyết trở thành thách thức toàn cầu.2,4 Đầu tiên là tốc độ lây lan – sốt xuất huyết là một trong những bệnh do vi rút lây truyền qua muỗi nhanh nhất trên thế giới, với ước tính khoảng 390 triệu người bị nhiễm bệnh hằng năm.1,5 Thứ hai là mức độ nghiêm trọng của các biến chứng; sốt xuất huyết nặng có thể xảy ra ở khoảng 5% bệnh nhân có triệu chứng – dẫn đến hiện tượng tăng tính thấm thành mạch máu, gây xuất huyết nghiêm trọng và đôi khi có thể tử vong.1,3,6,7 Sự bùng phát của sốt xuất huyết Dengue đang diễn ra ngày càng nhiều và có những niềm tin sai lệch lan truyền trong cộng đồng về căn bệnh này.2,3,8 Thực tế luôn xuất hiện những nhầm lẫn, chúng ta hãy xem một số nhầm lẫn phổ biến hiện có...8,9

 

Nhầm lẫn số 1: Tôi đã bị muỗi đốt, chắc là bị sốt xuất huyết

Thực tế: Một số người lo lắng về việc bị nhiễm sốt xuất huyết mỗi khi bị đốt.8 Tuy nhiên, hầu hết muỗi thực ra không mang mầm bệnh.10 Ngoài ra, đối với các loại muỗi mang mầm bệnh, sốt xuất huyết sẽ chỉ là một trong những bệnh nhiễm trùng mà muỗi có thể lây lan.11 Các bệnh nhiễm trùng khác do muỗi lan truyền bao gồm sốt rét và sốt vàng.11 Vì vậy, vết muỗi đốt (nếu gây bệnh) có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng khác ngoài sốt xuất huyết.11

 

Sốt xuất huyết Dengue lây truyền qua các loài muỗi Aedes (muỗi vằn) nhưng chỉ khi bản thân muỗi bị nhiễm vi rút sốt xuất huyết Dengue.2 Có nhiều cách để phát hiện loài muỗi này và vết đốt của muỗi vằn so với các loại khác.8 Muỗi vằn có sọc đen trắng trên cơ thể.12,13 Chúng thích đốt vào ban ngày và để lại vết đốt ngứa và đỏ hơn những loài khác.8 Thật không may, muỗi vằn thích đốt người hơn động vật và khi đốt, chúng thường đốt ở khuỷu tay và đầu gối.8,12

 

Ngoài lây lan qua muỗi vằn (muỗi Aedes), sốt xuất huyết có thể lây truyền qua máu và cấy ghép nội tạng.14

 

Nhầm lẫn số 2: Tôi đã từng bị sốt xuất huyết nên tôi sẽ không thể nhiễm sốt xuất huyết nữa

Thực tế: Điều này là sai. Mắc sốt xuất huyết có thể bảo vệ bạn tránh tái nhiễm trong hai hoặc ba tháng tới, nhưng khả năng bảo vệ này sẽ giảm dần về lâu dài.15,16 Thực tế có 4 tuýp vi-rút sốt xuất huyết Dengue. Điều này nghĩa là việc mắc sốt xuất huyết chỉ giúp bạn có khả năng miễn dịch khỏi một trong bốn tuýp này (cụ thể là tuýp bạn đã nhiễm) và bạn có thể bị sốt xuất huyết lần hai nếu bị nhiễm tuýp khác.16 Hơn nữa, trong khi hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết ở thể nhẹ, thì lần nhiễm thứ hai với tuýp khác tuýp đầu tiên có thể nặng hơn lần nhiễm ban đầu.2,15,16

 

Ngay cả khi trước kia bạn đã từng mắc sốt xuất huyết, việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân vẫn là điều quan trọng.

 

Nhầm lẫn số 3: Tôi không sống gần đầm lầy hoặc cống rãnh, nên muỗi lây bệnh sốt xuất huyết không thể đến gần tôi

Thực tế: Không giống như một số loài muỗi khác sinh trưởng ở đầm lầy và ao tù muỗi vằn lây bệnh sốt xuất huyết thích đẻ trứng trong môi trường nước sạch và những nơi nước ứ đọng.13 Thay vì ở đầm lầy, chúng đẻ trứng trong các vật dụng dụng có thể chưa nước như chai lọ, lon và lốp xe cũ (có thể lên đến hàng trăm trứng mỗi lần).17,18 Có thể tìm thấy những nơi này gần với môi trường sống của con người.12

 

Muỗi vằn có thể đẻ trứng trong các vũng nước nhỏ cỡ đồng xu.8

 

Một phần quan trọng trong việc chống lại bệnh sốt xuất huyết là loại bỏ triệt để các nơi sinh sản tiềm năng của muỗi vằn. Điều này cần có sự tham gia tích cực từ gia đình và cộng đồng trong nỗ lực làm sạch môi trường.18

 

Nhầm lẫn số 4: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm và có thể lây sang gia đình tôi qua tiếp xúc trực tiếp

Thực tế: Sai – sốt xuất huyết không phải bệnh truyền nhiễm lây truyền trực tiếp từ người sang người.8 Mặc dù không phải lây truyền trực tiếp, nhưng vẫn có khả năng sốt xuất huyết lây sang gia đình bạn. Nếu một người đã nhiễm bệnh bị con muỗi thứ hai đốt, thì con muỗi này cũng có thể bị nhiễm vi-rút sốt xuất huyết. Nếu sau đó, con muỗi nhiễm vi-rút này tiếp tục đốt người khác, họ cũng có thể bị nhiễm bệnh.8 Do đó, bạn có thể trở thành “vật chủ” của vi-rút sốt xuất huyết và vẫn có thể lây sang người nhà (mặc dù không phải thông qua tiếp xúc trực tiếp với họ mà thay vào đó là muỗi).8

 

Nhầm lẫn số 5: Các bài thuốc như nước lá đu đủ, sữa dê, súp cua và dây Thần thông có thể chữa sốt xuất huyết

Thực tế: Ở một số quốc gia có dịch bệnh sốt xuất huyết, mọi người sử dụng các bài thuốc dân gian như nước lá đu đủ, sữa dê, súp cua và dây Thần thông để điều trị bệnh.19,20 Việc thiếu thuốc kháng vi-rút và vắc-xin có thể là lý do khiến mọi người chuyển sang dùng bài thuốc dân gian và điều trị tại nhà.20 Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh những bài thuốc này có thể điều trị bệnh sốt xuất huyết.19 Xét về nước lá đu đủ, có thể hiểu lầm này xuất phát từ thành phần có trong lá đu đủ có vai trò trong việc kích thích tăng tiểu cầu - thành phần quan trọng trong quá trình đông máu. Trong lúc bị sốt xuất huyết, số lượng tiểu cầu trong máu có thể giảm đáng kể. Do đó, những bệnh nhân có lượng tiểu cầu thấp thường có nguy cơ xuất huyết nội cao hơn, đây có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết nặng.8 Mặc dù nước lá đu đủ đã được chứng minh là giúp phục hồi lượng tiểu cầu – tương tự như các phương pháp điều trị khác, nhưng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh nước lá đu đủ có tác dụng điều trị sốt xuất huyết.8

 

Hiện tại không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh sốt xuất huyết Dengue. Tuy nhiên, vẫn có những biện pháp phòng ngừa quan trọng, thuốc giảm triệu chứng cũng như vắc-xin.2 Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu thêm.

 

Nhầm lẫn số 6: Tôi có thể kiểm soát số lượng muỗi lây bệnh sốt xuất huyết bằng cách sử dụng thuốc diệt côn trùng

Thực tế: Một nghiên cứu cho thấy hầu hết người dân ở vùng Madeira (Bồ Đào Nha) tin rằng thuốc chống côn trùng hoặc vỉ đập ruồi có hiệu quả trong việc kiểm soát số lượng muỗi. Nhưng điều này là sai.9 Mặc dù các biện pháp này có thể giúp tránh bị muỗi đốt, nhưng không thể làm giảm hoặc kiểm soát sự gia tăng số lượng muỗi một cách hiệu quả.9 Thông tin sai lệch đăc biệt gây hại vì có thể khiến mọi người tập trung vào những phương pháp này để kiểm soát số lượng muỗi thay vì các phương pháp hiệu quả hơn như diệt trừ nơi muỗi sinh sản.9 Trên thực tế, các nghiên cứu trước đây ở Madeira cho thấy muỗi vằn (muỗi Aedes) có khả năng đề kháng đối với hầu hết các loại thuốc diệt côn trùng thông thường.9

 

Nhầm lẫn số 7: Tôi không thể mắc sốt xuất huyết vì tôi là người khỏe mạnh

Thực tế: Đây là nhận thức sai lầm gây nguy hiểm. Đúng là bệnh sốt xuất huyết có thể nghiêm trọng hơn ở một số nhóm người, chẳng hạn như trẻ em và những người mắc một số bệnh như tiểu đường.21 Điều này là do hệ thống miễn dịch của những nhóm này yếu hơn hoặc bị suy giảm.21,22 Tuy nhiên, sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.5

 

Cho dù bạn là ai, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp nếu bạn đang ở khu vực có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình nếu đang đi du lịch ở quốc gia có bệnh sốt xuất huyết ngay cả khi bạn cho rằng mình khỏe mạnh

 

Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết bao gồm sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo dài tay và mắc màn chống muỗi khi ngủ.2

 

Nhầm lẫn số 8: Tôi đã hạ sốt nên sốt xuất huyết không còn nguy cơ nữa

Thực tế: Nếu bạn đã nhiễm bệnh sốt xuất huyết, bạn có thể nghĩ rằng giai đoạn nguy kịch đã qua sau khi hạ sốt. Điều này quả thực đúng với hầu hết mọi người: Phần lớn những người mắc bệnh sốt xuất huyết đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ sẽ hồi phục sau 1 – 2 tuần.2 Tuy nhiên, cứ 20 người thì có 1 người có thể tiến triển thành sốt xuất huyết nặng.21 Điều này có thể xảy ra sau khi qua giai đoạn sốt ban đầu và các triệu chứng có thể gặp bao gồm chảy máu chân răng, chảy máu mũi hoặc đi ngoài ra máu.2 Sốt xuất huyết nặng là trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng cần được điều trị kịp thời.

 

Đừng chủ quan khi đã hạ sốt vì có thể tiến triển thành sốt xuất huyết nặng (mặc dù may mắn là trường hợp này hiếm gặp).2

 

Hãy nhớ rằng những lầm tưởng về bệnh sốt xuất huyết có thể rất nguy hiểm

Chúng ta vừa tìm hiểu một số lầm tưởng chung về sốt xuất huyết nhưng nên lưu ý rằng còn nhiều lầm tưởng khác đang được lan truyền. Điều quan trọng là phải đảm bảo bạn có thông tin chính xác về bệnh sốt xuất huyết để có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn giúp bảo vệ bản thân và gia đình. Nếu tiến triển thành sốt xuất huyết nặng, cần phải được chăm sóc và điều trị y tế ngay lập tức.23 Chúng ta đã tìm hiểu chi tiết hơn về sốt xuất huyết nặng và các triệu chứng trong phần Mức độ nghiêm trọng.

 

Tìm hiểu thông tin về sốt xuất huyết từ các nguồn đáng tin cậy. Hãy gặp bác sĩ để biết thêm thông tin đáng tin cậy về sốt xuất huyết bao gồm các biện pháp phòng ngừa và điều trị mới nhất.

 

 

*Tài liệu này được cung cấp bởi Công ty Takeda Việt Nam và Tổng Hội Y học Việt Nam với mục đích giáo dục cộng đồng. Tài liệu này không nên được sử dụng cho mục đích chẩn đoán, điều trị bệnh, hoặc tư vấn khám chữa bệnh từ nhân viên y tế. Vui lòng tham vấn Bác sĩ để được biết thêm thông tin chi tiết. Tài liệu này được sử dụng cho công chúng, phạm vi sử dụng bên ngoài Hoa Kỳ và Anh Quốc.

 

Nội dung liên quan
Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ đa dạng của bệnh sốt xuất huyết, bài viết này đi sâu vào tác động của tình trạng bệnh nền, tuổi tác, cân nặng và các biến số liên quan đến việc đi lại, đưa ra những thông tin chi tiết để giúp các cá nhân đánh giá và hiểu rõ mức độ dễ mắc bệnh của bản thân.

Tài liệu tham khảo

  1. World Health Organization. Available at: https://www.who.int/news-room/spotlight/ten-threats-to-global-health-in-2019 Accessed December 2023.

  2. World Health Organization. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue Accessed December 2023.

  3. Phillips ML. Environ Health Perspect. 2008;116(9):A382-8.

  4. Centers for Disease Control and Prevention. Available at: https://www.cdc.gov/dengue/healthcare-providers/clinical-presentation.html Accessed December 2023.

  5. Schaefer Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430732/. Accessed December 2023

  6. Mayo Clinic. Available at: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dengue-fever/symptoms-causes/syc-20353078 Accessed December 2023.

  7. COCA NOW. Available at: https://emergency.cdc.gov/newsletters/coca/083022.htm. Accessed December 2023.

  8. Zaheer S, et al. Ann Med Surg (Lond). 2022;81:104535.

  9. Nazareth T, et al. PLoS Negl Trop Dis. 2015;9(3):e0003395.

  10. Centers for Disease Control and Prevention. Available at: https://www.cdc.gov/ncezid/dvbd/media/mosquito-borne-diseases/mosquito-bites-everyone-is-at-risk.html Accessed December 2023.

  11. World Health Organization. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/vector-borne-diseases. Accessed December 2023.

  12. CDC_aegypti_factsheet. Available at: https://health.hawaii.gov/docd/files/2015/11/CDC_aegypti_factsheet.pdf. Accessed December 2023.

  13. National Environmental Agency. Available at: https://www.nea.gov.sg/dengue-zika/prevent-aedes-mosquito-breeding. Accessed December 2023.

  14. Centers for Disease Control and Prevention. Available at: https://www.cdc.gov/dengue/transmission/index.html. Accessed December 2023.

  15. CDC Yellow Book 2024. Available at: https://wwwnc.cdc.gov/travel/yellowbook/2024/infections-diseases/dengue. Accessed December 2023.

  16. Nature education. Available at: https://www.nature.com/scitable/topicpage/host-response-to-the-dengue-virus-22402106/ Accessed December 2023.

  17. Masters SW, et al. Lab Animal Sci Prof. 2020;55(6):42-45.

  18. Pan American Health Organization (PAHO). Available at: https://www.paho.org/en/news/29-4-2016-communities-urged-clean-mosquito-breeding-sites-prevent-zika-during-vaccination-week Accessed December 2023.

  19. Jain S, Sharma SK. Indian J Med Res. 2017;145(6):718-721.

  20. Ismail IS, et al. Malays J Med Sci. 2019;26(3):90-101.

  21. UNICEF. Available at: https://www.unicef.org/rosa/stories/dengue-how-keep-children-safe. Accessed December 2023.

  22. Rowe EK, et al. PLoS Negl Trop Dis. 2014;8(4):e2777.

  23. Mallhi TH, et al. BMJ Open. 2017;7(7):e016805.